Theo các chuyên gia, việc tự nhận lỗi là điều khó khăn không chỉ với trẻ nhỏ, mà cả người lớn.
Theo các chuyên gia, việc tự nhận lỗi là điều khó khăn không chỉ với trẻ nhỏ, mà cả người lớn. Song, với sự kiên trì, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ trở thành người biết nhận sai cho hành động của mình.
Khi trẻ không muốn nói
Việc phạm sai lầm hoặc không thể đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra cho bản thân là điều bình thường. Khi đó, trẻ cần biết xem lại những sai lầm như cơ hội học hỏi. Song, thực tế, không phải trẻ nào cũng có thể làm được điều đó.
Theo các nhà nghiên cứu về não bộ, phụ huynh sẽ không nhận được hiệu quả khi cố gắng dạy cho con mình một bài học trong lúc trẻ nóng nảy. Khi đó, phần “suy nghĩ” trong não của trẻ sẽ không hoạt động. Đồng thời, thông tin mà cha mẹ cố gắng truyền tải sẽ bị trẻ bỏ qua hoặc lãng quên ngay lập tức.
Thay vào đó, cha mẹ nên đợi cho đến khi trẻ bình tĩnh để nói về những thách thức. Đây là một kế hoạch tuyệt vời về mặt lý thuyết. Khi cha mẹ nói với con rằng: “Chúng ta cần thảo luận về cách con đối xử với em gái mình trong bữa trưa hôm nay”, các phụ huynh thường hy vọng trẻ sẽ trả lời: “Mẹ nói đúng. Con đã không có hành động tốt”. Tuy nhiên, thật không may, trẻ em không phải lúc nào cũng tuân theo kịch bản đó.
Nhiều đứa trẻ tránh nói về những gì chúng đã làm sai. Hoặc, thực tế là trẻ không nhớ mình đã làm sai điều gì. Trong một số trường hợp, trẻ đã chuyển sang một thứ khác và bị cuốn hút đến mức không thể bận tâm hồi tưởng lại quá khứ. Bởi những lý do này, nhiều phụ huynh thường cảm thấy bế tắc. Song, theo các chuyên gia, nếu rơi vào tình huống này, các phụ huynh không hề đơn độc.
Thực tế, mọi người thường né tránh những điều khó chịu hoặc không thoải mái. Do đó, hoàn toàn là điều bình thường khi trẻ em sống quá nhiều trong hiện tại, đến nỗi thậm chí vài phút trước cũng dường như là một ký ức xa xăm với các bé.
Khi phụ huynh cần điều chỉnh
Sự mong đợi trẻ nhận lỗi không có nghĩa là cha mẹ đang hành xử sai. Tuy nhiên, điều đó có thể có nghĩa là phụ huynh nên đưa ra một số điều chỉnh. Từ đó, giúp những cuộc trò chuyện với trẻ về vấn đề này hiệu quả hơn.
Điều quan trọng nữa là cha mẹ nên kiểm tra những kỳ vọng của bản thân và xem chúng phù hợp như thế nào với khả năng của trẻ, tùy vào độ tuổi và giai đoạn phát triển. Trẻ em bắt đầu bào chữa ngay khi chúng có thể nói thành câu.
Các nhà khoa học cho rằng, đó hoàn toàn là hành động dễ hiểu. Lý do phổ biến là trẻ muốn tránh gặp rắc rối, hoặc cảm thấy xấu hổ hay không muốn bị ai đó nghĩ xấu về mình.
Betsy Brown Braun – Chuyên gia về hành vi và phát triển trẻ em ở Pacific Palisades, California (Mỹ), đồng thời là tác giả cuốn sách “You’re Not the Boss of Me” – cho biết: “Trẻ thường cảnh giác với bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Hơn bất cứ điều gì, trẻ muốn cha mẹ luôn vui vẻ với chúng”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ huynh nên bỏ qua những lời bào chữa của trẻ. Những đứa trẻ có thói quen không nhận lỗi, bào chữa cho hành động của mình có thể trở thành những người lớn thiếu tự tin, không chấp nhận rủi ro và không thể tin tưởng được trong tương lai. Hơn nữa, trẻ cũng gây ảnh hưởng không tốt tới bạn bè xung quanh bởi hành động đổ lỗi cho người khác.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Stanford đã chỉ ra rằng, việc đổ lỗi cho người khác là hành vi rất dễ gây ảnh hưởng. Cụ thể, khi chứng kiến người khác chối bỏ trách nhiệm, chúng ta sẽ có nhiều khả năng cũng thực hiện điều tương tự. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc dạy trẻ chịu trách nhiệm về hành động của chúng là điều vô cùng quan trọng.
Dưới đây là những bước phụ huynh cần thực hiện để trẻ tự giác nhận lỗi:
Bước 1: “Tắt chế độ” yêu cầu
Hầu như mỗi khi thức dậy, trẻ em đều được người lớn yêu cầu chúng phải làm gì. Một vài trong số đó có thể là cha mẹ, giáo viên, huấn luyện viên. Song, thực tế, đó là một trong những yếu tố khiến trẻ trở thành những kẻ đổ lỗi.
Nhà xã hội học Christine Carter – Tiến sĩ, tác giả cuốn sách “Raising Happiness” – cho biết: “Bởi vì mọi suy nghĩ đều được viết sẵn cho chúng, trẻ em không nhận ra rằng, chính các bé mới là người điều khiển hành vi của bản thân”. Vì vậy, trước khi có thể bắt đầu “sở hữu nó”, trẻ cần biết rằng chúng thực sự là chủ nhân của vũ trụ.
Để làm được điều đó, cha mẹ cần ngừng việc hướng dẫn trẻ mọi lúc. Nhiều cha mẹ thường yêu cầu trẻ thực hiện theo mình dù đó là những việc nhỏ nhất như: “Mặc áo khoác vào”; “Hoàn thành bài tập đi”; “Hãy nói lời “cảm ơn””. Việc ngừng yêu cầu trẻ sẽ giúp các bé có thói quen bắt đầu tự suy nghĩ.
Bước 2: Chia sẻ các quyết định của cha mẹ
Mỗi ngày, người lớn phải đưa ra hàng triệu lựa chọn cho nhiều vấn đề như: Tôi nên thức dậy hay đi ngủ? Tôi nên trả lời điện thoại của mình hay để nó vào hộp thư thoại? Tôi nên mua những đôi giày đó hay đợi cho đến khi chúng được giảm giá? Song, bởi vì những suy nghĩ này xảy ra trong đầu cha mẹ, nên trẻ sẽ không nhận ra tất cả những gì liên quan đến việc đưa ra những quyết định dù là nhỏ nhất.
Điều đó có nghĩa là cha mẹ không mô hình hóa cách đưa ra những lựa chọn tốt. Do đó, theo chuyên gia Braun, phụ huynh cần giải thích lý do tại sao cha mẹ đưa ra những lựa chọn như vậy. Từ đó, giúp trẻ tiếp thu và hiểu được quá trình suy nghĩ, ra quyết định của phụ huynh.
Bước 3: Để trẻ làm sai và chịu hậu quả
Khi một trong những đứa trẻ quên làm bài tập về nhà, cha mẹ thường yêu cầu trẻ thực hiện khi đến trường. Khi trẻ bỏ bê việc dọn dẹp phòng khách, cha mẹ thường cất đồ chơi của chúng đi. Nếu trẻ tranh luận với một người bạn xem ai là người nắm quyền, cha mẹ có thể can thiệp bằng chiến lược “lần lượt”. Đó dường như là một chiến lược tốt.
Song, thực tế, các chuyên gia cho rằng, đó không phải là cách nuôi dạy con tuyệt vời. Tiến sĩ Carter nói: “Nếu cha mẹ sửa lỗi cho trẻ và giải quyết vấn đề của chúng, các bé sẽ không bao giờ học được cách tự làm điều đó”. Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, đôi khi, cha mẹ cần để trẻ làm sai và gánh chịu hậu quả. Điều đó sẽ cho trẻ thấy rằng, những hành động sai và hậu quả không phải là tận cùng thế giới. Từ đó, trẻ có thể tìm ra cách khắc phục vấn đề của mình.
Bước 4: Nhận lỗi
Thành thật mà nói, hầu hết chúng ta đều cố gắng lảng tránh việc thừa nhận khi bản thân cư xử không hoàn hảo. Vì vậy, làm thế nào để khiến trẻ xin lỗi và hoàn toàn thật lòng muốn làm điều đó không phải là việc đơn giản. Tuy nhiên, chỉ với ba từ, các phụ huynh có thể biến bản thân từ một hình mẫu tiêu cực trở thành tấm gương tích cực: “Lỗi của mẹ”.
Ví dụ, khi cha mẹ đến đón trẻ muộn từ lớp học thêm, hãy nói với con rằng: “Lỗi của mẹ”. Hoặc trong trường hợp quên hạn đóng học phí cho trẻ, phụ huynh cũng hãy nói: “Đó là lỗi của mẹ”.
Nhà trị liệu gia đình Susan Stiffelman – tác giả cuốn sách “Parenting Without Power Struggles” – cho biết, dù là thuật ngữ nào mà phụ huynh chọn để nhận trách nhiệm, hãy sử dụng chúng mà không cần thêm từ hạn định. Cha mẹ có thể nói: “Lỗi của mẹ”, “lỗi của cha”, “mẹ xin lỗi”.
Ví dụ, câu nói: “Đó là lỗi của mẹ khi đã mất bình tĩnh và hét vào mặt con, nhưng do con không lắng nghe” không chính xác là phụ huynh đang chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bà Stiffelman nói: “Việc bao gồm từ “nhưng” ám chỉ người khác và cung cấp cho trẻ một khuôn mẫu về cách đổ lỗi”.
Bước 5: Trao cho trẻ nhiều cơ hội
Ông John G. Miller – đồng tác giả của “Raising Accountable Kids” – cho biết, khi trẻ bắt đầu nhận ra những điều cơ bản về trách nhiệm, cha mẹ có thể bắt đầu phân tích để con hiểu rõ hơn. Lời khuyên của ông rất đơn giản: Hãy cho mỗi đứa trẻ cơ hội thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư để không đổ lỗi cho người khác.
Ngay cả với những nỗ lực kiên nhẫn và đồng cảm nhất từ cha mẹ, một số trẻ em vẫn có thể gặp khó khăn trong việc thừa nhận hoặc chia sẻ về lỗi lầm cũng như hành vi của mình.
Trong những tình huống này, có thể hữu ích khi phụ huynh tìm kiếm sự hỗ trợ từ một nguồn bên ngoài, chẳng hạn như chuyên gia sức khỏe tâm thần, cố vấn học đường hoặc huấn luyện viên phụ huynh.