1900 4662 - 0962.775.166

Category Archives

Posts in Tin tức category.
Đột quỵ ngày nắng nóng: Ai có nguy cơ cao ?

Thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt.
Dự báo trong ngày 17/5, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. Tuy nhiên cần lưu ý, không phải nắng nóng gây nên đột quỵ, mà do nắng nóng, những người có yếu tố nguy cơ kiểm soát không tốt khiến đột quỵ gia tăng.

Các đối tượng dễ bị đột quỵ

ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết các đối tượng dễ bị đột quỵ gồm:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt độ chậm hơn những người khác.
  • Những người mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, béo phì hoặc thiếu cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu.
  • Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt khi có điều kiện khí quyển ứ đọng và chất lượng không khí kém.
  • Những người lao động, vận động viên hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng kéo dài.

“Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ”, BS Chinh lý giải.

Ngoài ra, ảnh hưởng bởi nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.

Kiểu thời tiết này còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… khiến nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Trong đó, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong. Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương não.

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ.

Các dấu hiệu cụ thể gồm:

  • Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể – nửa người).
  • Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
  • Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
  • Đột ngột đau đầu dữ dội.
  • Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để “cứu não”.

Hai loại rau giúp thanh nhiệt, giải độc

Rau muống và má là hai loại thực vật không chỉ giúp thanh nhiệt mùa hè mà còn công dụng trị rối loạn tiêu hóa cũng như giải độc.

Ngày 17/5, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết rau má là loại thực vật thông dụng, được chế biến thành nước ép, canh giúp giải nhiệt mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, rau má là vị thuốc tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhiều nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy rau má có chứa glucorit, các saponin và một số chất tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.

Loại rau này còn có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc, do các saponin chứa trong dịch chiết tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết, giúp các mô tái tạo nhanh chóng, khiến vết thương mau lành.

Rau má.

Một số công dụng trị bệnh từ bài thuốc rau má, như sau:

Rau má tươi 30-100 g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát, hòa đường, tác dụng giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu.

30 g rau má giã nát đắp rốn trị táo bón.

Rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút đường phèn), giải ngộ độc thuốc và thực phẩm.

Rau má khô tán bột mỗi ngày uống hai thìa cà phê gạt ngang, giảm đau bụng, đau lưng kỳ kinh nguyệt

Rau má, xạ can, lá hẹ, nấu nước uống, trị ho do cảm phong nhiệt (thanh phế nhiệt). Tuy nhiên, loại thực vật này có tính lạnh nên người hư hàn không dùng thường xuyên.

Rau muống

Theo y học cổ truyền, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể như nấm độc, sắn độc.

Bạn có thể luộc rau muống với một chút muối, dùng cùng các loại nước chấm (mắm, tương), giúp thanh nhiệt mùa hè. Nước rau muống luộc để nguội vắt chanh rất tốt cho thai phụ thiếu sắt.

Rau muống thanh nhiệt ngày hè.

Một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống; hoặc 100 g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50 g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống, trị say, ngộ độc sắn (khoai mì).

Ngoài ra, một kinh nghiệm dân gian đã được ghi lại trong nhiều sách thuốc là giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay, giúp giải ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho hay chỉ nên dùng phương pháp này sơ cứu tức thời nhằm hạn chế độc tính, sau đó cần đưa bệnh nhân đến viện.

Do có nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón.

Bác sĩ lưu ý một loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn có tên fasciolopsis buski – phổ biến trên rau muống – có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Ký sinh trùng này neo mình vào thành ruột và gây các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Sau một thời gian, trứng sẽ nở thành giun sán, chui vào các cơ quan, sinh bệnh.

Do đó, trước khi ăn rau muống, nên rửa sạch từng ngọn, ngâm vào nước muối loãng, nấu chín.

Ba em bé ngộ độc sau ăn giò lụa bán dạo

Ba anh em tuổi 10-14, xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi ăn giò lụa, bác sĩ hai bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 2 xác định ngộ độc botulinum.

Các em và người dì, mua giò lụa từ người bán dạo, không rõ nguồn gốc, ăn với bánh mì hôm 13/5. Đến chiều, cả bốn đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, mệt mỏi, đau người. Ba em bé bị yếu cơ dần.

Một ngày sau, ba em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng mệt lả, sụp mi, yếu hai chân, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy, sức cơ khoảng 4/5. Người dì ngộ độc nhẹ nên không nhập viện.

Bác sĩ thăm khám cho một trong ba bệnh nhi ngộ độc botulinum.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn với bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, xét nghiệm xác định các bệnh nhân nhiễm độc botulinum.

Bệnh nhân nhiễm độc tố này phải sử dụng thuốc giải độc càng sớm càng tốt, nếu trễ sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy 3-6 tháng. Việt Nam chỉ còn hai lọ thuốc giải độc botulinum đang được Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam giữ sau đợt điều trị các bệnh nhân ăn cá muối chua hồi tháng 3. Các bác sĩ nhanh chóng điều phối thuốc giải độc vào TP HCM.

Rạng sáng 16/5, thuốc được chuyển vào TP HCM, tiêm cho ba em bé. Một giờ sau, các bé đều ổn định, không có biểu hiện bị phản vệ. Bác sĩ tiếp tục theo dõi và khám lại đánh giá tình trạng sức khỏe các cháu sau 4 giờ một lần.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí – loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều muối

Dấu hiệu của người ăn quá nhiều muối là cơ thể tích nước sưng phù, thường xuyên đau đầu, khát nước liên tục, tiểu tiện nhiều lần và thèm đồ ăn mặn.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia ghi nhận trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ăn quá mặn có thể gây ra các bệnh về huyết áp, tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng thận, gây loãng xương, mất nước và sưng phù.

Việc nhận biết mình đang ăn quá nhiều muối thường rất khó khăn. Các chuyên gia khuyến nghị bạn theo dõi những dấu hiệu hàng ngày để thấy bản thân có nạp quá nhiều natri hay không.

Muối được WHO khuyến nghị ăn lượng vừa phải

Cơ thể tích nước, sưng phù

Theo tiến sĩ Maggie Michalczyk, chuyên gia dinh dưỡng Đại học Michigan, ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Lượng chất lỏng dư thừa tồn tại ở mô cơ, dẫn đến sưng tấy, đầy hơi và tạo bọng mắt. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thiếu sức sống.

Sưng phù cơ thể cũng ảnh hưởng đến thể lực. Lượng muối dư thừa không tác động trực tiếp đến quá trình luyện tập, một số vận động viên báo cáo cảm giác nặng nề, đầy hơi sau khi ăn quá mặn, khiến thành tích giảm sút.

Các chuyên gia khuyến nghị ăn lượng muối vừa phải và các chất điện giải sau mỗi buổi tập luyện, nhưng hạn chế ăn muối trước khi tập.

Thường xuyên đau đầu

Theo tiến sĩ Michalczyk, muối dư thừa gây rối loạn tỷ lệ chất lỏng, khiến natri bị rò khỏi nguồn cung cấp nước của cơ thể, gây đau đầu do mất điện giải. Khi cơ thể thiếu quá nhiều nước, não sẽ co lại.

Ăn mặn cũng có thể dẫn đến buồn nôn, chóng mặt và nôn mửa (trường hợp nghiêm trọng), cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn nhiều. Nếu bạn bị đau đầu, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước lọc để thải natri ra ngoài.

Khát nước liên tục

Biểu hiện khát nước và khô miệng thường là do nồng độ natri quá cao. Thừa muối gây tình trạng thiếu chất lỏng. Cơ thể liên tục ở trạng thái khát để báo hiệu cần lấy lại trạng thái cân bằng.

Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước và điều chỉnh lại chế độ ăn hàng ngày. Khát nước quá mức cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Tiểu tiện liên tục

Cơ thể dư thừa natri nên bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Tiến sĩ Michalczyk giải thích muối tác động đến mức độ chất lỏng trong cơ thể, gây khát cực độ. Muối cũng ảnh hưởng đáng kể đến thận, khiến cơ quan này hoạt động kém hiệu quả. Ăn mặn trong thời gian dài dẫn đến suy thận. Điều cần làm là giảm áp lực lên thận bằng cách giảm lượng muối ăn hàng ngày.

Thèm đồ ăn mặn

Ăn mặn trong thời gian dài có thể tạo ra thói quen và hành vi kém lành mạnh. Khi cơ thể đã quen với mùi vị thức ăn mặn sẽ điều chỉnh để thích nghi. Từ đó, bạn có xu hướng bỏ thêm càng nhiều muối vào các món ăn hàng ngày để thỏa mãn vị giác. Điều này trở thành vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.

Để thoát khỏi vòng lặp thói quen thiếu lành mạnh này, tiến sĩ Michalczyk khuyến nghị cắt giảm một lượng muối khỏi khẩu phần ăn, thêm vào thực đơn các gia vị từ thảo mộc. Khi đi ăn ở ngoài, bạn có thể yêu cầu người phục vụ chế biến món ăn nhạt, cho ít muối hơn.

Nguy cơ tiêu chỏm xương đùi khi trẻ đi khập khiễng

Đôi khi, trẻ đi khập khiễng chỉ là do đau mỏi hoặc chấn thương nhẹ, nhưng đó có thể là biểu hiện của tình trạng tiêu chỏm xương đùi, một bệnh khớp hiếm gặp.

Theo các chuyên gia, tiêu chỏm xương đùi là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi có quá ít máu cung cấp cho phần hỏm xương đùi. Kết quả là phần đầu của xương đùi bị xẹp xuống và khu vực này bị viêm, kích ứng, xương này trở nên yếu và dễ gãy. Nguyên nhân của việc giảm lưu lượng máu tạm thời đến chỏm xương đùi vẫn chưa được xác định.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm: đi khập khiễng; đau hoặc cứng ở hông, háng, đùi hoặc đầu gối; phạm vi chuyển động của khớp hông hạn chế; cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động và cải thiện khi nghỉ ngơi. Bệnh thường chỉ liên quan đến một bên hông. Tuy nhiên, một số ít trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng cả hai hông nhưng thường không xảy ra cùng một thời điểm.

Tiêu chỏm xương đùi có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi 4 – 10, tỷ lệ là 1:12.000 trẻ mắc bệnh. Bệnh phổ biến ở bé trai gấp 5 lần bé gái nhưng ở các bé gái mắc bệnh, tình trạng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Số ít trường hợp bệnh tiêu chỏm xương đùi dường như có liên quan đến đột biến ở một số gen nhất định nhưng cần nghiên cứu thêm.

Các bác sĩ đã giúp Drew hoạt động trở lại sau hơn một năm phẫu thuật và phục hồi chức năng vận động.
Bé trai ở Mỹ vận động bình thường trở lại sau khi được phẫu thuật tiêu chỏm xương đùi.

Thông thường, khi gặp tình trạng bệnh này, cơ thể sẽ hấp thụ các tế bào xương chết và thay thế chúng bằng tế bào xương mới. Nguồn cung cấp máu trở lại và chỏm xương đùi sẽ lành lại nhưng hình dạng của nó sẽ thay đổi và không còn di chuyển trơn tru trong hố hông. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây viêm khớp sau này.

Trẻ em bị tiêu chỏm xương đùi có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp háng cao hơn khi trưởng thành, đặc biệt nếu khớp háng lành lại có hình dạng bất thường. Nếu xương hông không khít với nhau sau lành, khớp có thể bị mòn sớm. Nhìn chung, trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sau 6 tuổi có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hông trong tương lai. Do đó, trẻ càng nhỏ, càng có nhiều cơ hội để khớp hông lành lại ở hình dạng tròn trịa, bình thường.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu thấy con đi khập khiễng hoặc kêu đau hông, háng hay đầu gối; con bị sốt hoặc không thể chịu được sức nặng ở chân. Xương của trẻ lành nhanh và có khả năng tự sửa chữa tốt nên chẩn đoán sớm giúp tăng cơ hội điều trị và tăng thời gian để đầu xương đùi của trẻ tự biến đổi thành hình tròn.

Việc điều trị cho trẻ tùy thuộc vào độ tuổi, phạm vi chuyển động ở hông và mức độ của tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp dựa trên mức độ đau hông, cứng khớp và phần đầu của xương đùi đã bị xẹp. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật gồm: hạn chế hoạt động; dùng thuốc chống viêm; nghỉ ngơi… hay vật lý trị liệu để giữ cho cơ hông khỏe và thúc đẩy chuyển động của hông.

Nếu các phương pháp điều trị này không đạt hiệu quả cao, trẻ cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật cắt xương đùi nhằm điều chỉnh chỏm xương đùi khớp với bên trong ổ khớp háng. Phần lớn trẻ em sau điều trị bệnh này đều có thể đi lại, vui chơi, phát triển và có một cuộc sống năng động.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi điều trị thành công, một số trẻ vẫn phát triển các vấn đề về hông khi lớn lên. Vì vậy, nhiều người mắc bệnh tiếp tục được bác sĩ chuyên khoa tiếp tục chăm sóc và theo dõi cho đến tuổi trưởng thành.

Trường Phát